John Dewey Về Giáo Dục

John Dewey Về Giáo Dục

Tác giả: Nhiều Tác Giả

Chúng ta đã sang thế kỷ thứ 21 - còn John Dewey thì đã nằm khá xa hoặc quá xa rồi trong quá khứ: ông sinh năm 1859 và mất năm 1952 (cách nay ba phần năm thế kỷ!). Các trước tác của ông đã được xuất bản cách nay gần một trăm năm!. Từ đó tới nay,...

0
5
0
4
0
3
0
2
0
1
0
Nhận xét

John Dewey Về Giáo Dục

Chúng ta đã sang thế kỷ thứ 21 - còn John Dewey thì đã nằm khá xa hoặc quá xa rồi trong quá khứ: ông sinh năm 1859 và mất năm 1952 (cách nay ba phần năm thế kỷ!). Các trước tác của ông đã được xuất bản cách nay gần một trăm năm!. Từ đó tới nay, bao nhiêu nước đã chảy dưới chân cầu, như người ta thường nói. Ngay cái "nghiệp danh" của John Dewey cũng dài dòng: đến bây giờ, người ta vẫn phải vừa gọi tên vừa giảng giải cái danh cho ông: nhà triết học chuyên nghiên cứu tâm lý học thực hành và chuyên về sư phạm chứ không gọi theo "chuyên nghiệp hẹp" như về sau đối với Jean Piaget (1896-1980), Lev Vygotski (1896-1934), Howard Gardner (sinh 1943) …những người chỉ một danh xưng thôi là đủ: nhà tâm lý học.

Sở dĩ vậy, có lẽ là vì bản thân sự nghiệp của John Dewey dường như vẫn còn nằm ở thời kỳ quá độ từ lúc tâm lý học mới tách được ra khỏi triết học để tự đứng một mình thành một bộ môn khoa học độc lập.

Thế nhưng, dù ở vị trí chuyển tiếp đó, dù sự nghiệp tâm lý học của ông vẫn chưa sang giai đoạn hoàn toàn thực nghiệm để có thể đàng hoàng đi trong đội ngũ tâm lý học nhận thức - tâm lý học phát triển, sự nghiệp của John Dewey vẫn được đánh giá cao, vì sao vậy? Đó là nhờ tư tưởng triết học dắt dẫn các tác phẩm của Dewey mà cho tới tận hôm nay, khi đã sang thế kỷ 21, nó vẫn giữ đầy đủ giá trị.

Tư tưởng đó là gì? Ngay trong chương đầu tiên của Dân chủ và Giáo dục (được trích đăng một chương trong cuốn sách này), một tư tưởng đã lóe sáng; dựa trên những căn cứ không mới nhưng lại tương thích với thực tại thế kỷ 21 chúng ta, Dewey suy tư về vấn đề các xã hội càng ngày càng trở nên phức tạp, mà chính vì sự phức tạp đó nên phải suy tư về hệ thống giáo dục. Các xã hội càng ngày càng biến đổi nhanh lên, do đó mà có nguy cơ ngày càng cao xuất hiện cái khoảng cách giữa các tri thức muốn truyền đạt tới trẻ em và thực tiễn cuộc sống ở chính những xã hội đang biến đổi nhanh chóng ấy. Dewey cho thấy toàn bộ các tương tác xã hội được tạo ra đối với người học - từ đó mà có kết luận đầu tiên rằng người học sẽ càng học giỏi hơn nếu được tham gia vào sự vận hành của môi trường sống. Vai trò của một hệ thống giáo dục tử tế là tạo ra ở trẻ em cái ước vọng được không ngừng thay đổi tiến bộ và hệ thống giáo dục tử tế phải làm công việc cung cấp phương tiện cho sự tiến lên không ngừng đó.

Triết học giáo dục của Dewey chống lại những mục tiêu giáo dục làm cho thày và trò bị "đứng im một chỗ" thay vì cùng chuyển động. Một nền giáo dục chỉ chăm chăm vào những mục tiêu cố định, cả thày lẫn trò sẽ nhao vào một khung cảnh xã hội và lịch sử bất biến - chính cái khung cảnh, cái môi trường rất sớm bị lạc hậu so với những biến chuyển của cuộc sống thực. Mặt khác, nói theo một góc độ tích cực, thì những mục tiêu giáo dục cho một con người nhất thiết phải kết hợp được một cách nhuần nhuyễn sự phát triển văn hóa của cá nhân với sự phát triển của xã hội trên những phương diện tích cực của nó.
Dewey cũng quan tâm tới phương diện dạy học của người thày. Ông lưu ý (như một sự phê phán) rằng từ thời cổ đại Hy Lạp, việc dạy học chú trọng vào suy lý về lý thuyết chứ không tập trung chú ý vào trải nghiệm thực tiễn. Ông chứng minh rằng sự tiến triển của bản thân các môn khoa học là cả loạt trải nghiệm trong tiến trình con người thu nạp các hiểu biết. Do đó Dewey nghiêng về cách dạy học ở đó người học giáp mặt với một vấn đề có thực từ đó công việc học là công việc hoạt động và gắn với một thực tại xã hội - cái điều ông gọi bằng nền sư phạm hành dụng.

Đối với các giá trị của riêng từng cá thể người, có lẽ Dewey là người đầu tiên tuyên ngôn về giá trị cá nhân. Tuy rằng những giá trị mang tính cá nhân này cũng được coi trọng trong những nền giáo dục cổ truyền, nhưng chỉ khi nào chúng "phù hợp với công dụng xã hội" mà thôi. Với Dewey, ông đặt vị trí con người cá nhân trong trung tâm của một xã hội dân chủ đi tìm sự thay đổi tiến bộ không ngừng cho chính mình. Tính đạo đức của một nền giáo dục theo Dewey là ở chỗ nó giúp học sinh phát triển các năng khiếu cá nhân và có năng lực thực hiện được những trách nhiệm cá nhân trước xã hội.
Dewey là người đầu tiên chống lại một kiểu nhà trường học sinh nhại lại những lời giảng của thày giáo. Học sinh (và giáo viên) cùng nhau tham gia vào những nhiệm vụ xã hội theo phương thức nhà trường - một phương thức đặc biệt có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động của học sinh trong vai trò hiệp tác với người dạy. Dân chủ là như vậy.

Triết học hành dụng của John Dewey được vận dụng xuyên suốt mọi chủ đề liên quan đến giáo dục. Nhưng có thể thấy rõ nhất sự vận dụng này ở trong mục tiêu giáo dục : đào tạo các thói quen tư duy. Các tiến trình dạy học được tổ chức hợp nhất và hài hòa tập trung vào việc tạo ra những thói quen tư duy cho người học. Ta có thể nói mà không sợ sai rằng tư duy chính là phương pháp trải nghiệm mang tính giáo dục (educative experience). Những phương diện cơ bản của phương pháp dạy học do đó cũng đồng nhất với những phương diện cơ bản của phương pháp tư duy. Trước hết người học cần phải có một tình huống đích thực để mà trải nghiệm, sao cho có được một trường hoạt động liên tục được chính người học quan tâm; tiếp đó, người học phải được đặt trước một vấn đề đích thực nảy sinh từ chính tình huống đó như một kích thích cho tư duy; ba là, người học có trong tay những thông tin cần thiết cho việc giải quyết vấn đề; bốn là, những điều kiện đó gợi ra được cho người học các giải pháp khiến người học có trách nhiệm tự tìm ra theo một trật tự liên tục; và năm là, người học có cơ hội thử thách các ý tưởng của mình khi đem áp dụng chúng sao cho chính bản thân người học thấy mọi điều sáng tỏ hơn nhờ thấy được giá trị của những sản phẩm của mình.

Tuyển tập John Dewey về giáo dục được chia thành những chủ đề lớn như Triết học và Giáo dục; Đạo đức và Giáo dục; Mỹ học và Giáo dục; Khoa học và Giáo dục; Tâm lý học và Giáo dục; Xã hội và Giáo dục; những Nguyên tắc Sư phạm. Tùy theo chuyên môn và mối quan tâm cụ thể, độc giả có thể đọc thẳng vào bất kỳ chương nào của cuốn sách. Song, thiết nghĩ chương đầu tiên của cuốn sách - Triết học và Giáo dục - có lẽ cung cấp hiểu biết nền tảng triết học của John Dewey để giúp độc giả có thể hiểu kỹ các chương khác của cuốn sách.

...

Mời các bạn đón đọc!

Công ty phát hành DT Books
Nhà xuất bản NXB Trẻ
Trọng lượng vận chuyển (gram) 400

Giá John Dewey Về Giáo Dục mới nhất

    Sản phẩm cùng tầm giá